
Các lãnh đạo Anh, Ukraine Pháp, Ba Lan và Đức cùng điện đàm với ông Trump vào ngày 10/5. Ảnh: AFP.
Động thái mới của châu Âu
Ngày 12/5, Anh sẽ chủ trì một cuộc họp quan trọng với sự tham gia của các ngoại trưởng đến từ Pháp, Đức, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha và đại diện Liên minh châu Âu (EU), nhằm thảo luận về các biện pháp đối phó “hành động gây hấn từ Nga”. Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ nhóm “Weimar+”.
“Weimar+” gồm các quốc gia chủ chốt trong EU, được thành lập vào tháng 2 năm nay như một phản ứng trước sự thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump. Cuộc họp lần này tại London là lần thứ sáu của nhóm và cũng là lần đầu tiên do Anh tổ chức.
Tại cuộc họp ở London, ông Lammy dự kiến sẽ tuyên bố châu Âu đang đối mặt với “một thời khắc có tính bước ngoặt trong một thế hệ” liên quan đến an ninh chung.
“Thách thức hôm nay không chỉ là tương lai của Ukraine – mà là vấn đề sống còn đối với toàn bộ châu Âu”, ông Lammy dự kiến nói trong cuộc họp. “Tôi mời các đối tác và bạn bè đến đây để khẳng định rằng chúng ta phải đoàn kết, cùng nhau bảo vệ chủ quyền, hòa bình và Ukraine”.
Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu – gồm Pháp, Đức, Ba Lan và Anh – đến Kiev và cùng kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình. Họ khẳng định lời kêu gọi này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ.
Ông Trump nêu quan điểm khác biệt với châu Âu
Một ngày sau chuyến thăm của các lãnh đạo châu Âu tới Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất tổ chức đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 15/5. Tuy nhiên, ông không phản hồi lời kêu gọi ngừng bắn của châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông sẵn sàng gặp ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không nêu rõ liệu cuộc gặp có còn ý nghĩa nếu Nga từ chối lệnh ngừng bắn do châu Âu đề xuất.
Hôm 11/5, ông Trump bất ngờ lên tiếng trên mạng xã hội Truth, công khai ủng hộ đề xuất của ông Putin. “Ukraine nên đồng ý với điều này, NGAY LẬP TỨC”, ông Trump viết. “Ít nhất họ sẽ biết liệu một thỏa thuận có thể đạt được hay không. Nếu không, các lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ biết rõ tình hình và có thể tiến hành các bước tiếp theo”.
Theo tờ Washington Post, tuyên bố của ông Trump dường như phá vỡ lập trường chung mà các đồng minh phương Tây vừa công bố chưa đầy 24 giờ trước, làm dấy lên lo ngại về sự chia rẽ trong mặt trận đối phó Nga.
Châu Âu lo ngại Nga "câu giờ"
Phản ứng trước đề xuất đàm phán của ông Putin, các lãnh đạo châu Âu tỏ ra nghi ngờ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng ông Putin “chỉ đang cố câu giờ”.
“Ngừng bắn vô điều kiện, đúng nghĩa, không thể bị đặt điều kiện bằng các cuộc đàm phán”, ông Macron nói với báo giới khi đến thành phố Przemysl (Ba Lan), trên đường trở về từ Ukraine.
Sau đó, trong một tuyên bố phát đi từ Điện Elysee, ông Macron một lần nữa nhấn mạnh “sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn” trước khi tiến hành bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Putin và ông Zelensky.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Anh David Lammy ngày 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tái khẳng định rằng “ưu tiên hàng đầu của Washington là chấm dứt chiến sự và đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.
Kiev và các đồng minh châu Âu từng lo ngại rằng ông Trump đang có xu hướng nghiêng về phía Moscow, sau nhiều lần xung đột lời nói với ông Zelensky. Tuy nhiên, gần đây, ông Trump cũng thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với ông Putin.