Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, những mảnh đá lâu đời nhất và ổn định nhất của Bắc Mỹ đang dần chìm vào lớp phủ của Trái đất.
Quá trình này liên quan đến khái niệm được gọi là “craton”, một lõi đá nền hàng tỷ năm tuổi và được coi là xương sống của lục địa Bắc Mỹ. Trước đây, craton được cho là cứng cáp và không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng sự thay đổi đang diễn ra.

Mặc dù Bắc Mỹ đang chìm dần nhưng không phải là mối đe dọa quá lớn.
Sử dụng dữ liệu địa chấn từ dự án EarthScope, các nhà nghiên cứu đã xây dựng một mô hình chi tiết về bề mặt bên dưới lục địa. Họ phát hiện ra một vùng hình phễu ở Trung Tây, nơi craton đang mỏng dần. Đá từ lớp cổ xưa này đang bị kéo xuống lớp phủ của Trái đất, giống như craton đang nhỏ giọt qua cái phễu đó và khiến Bắc Mỹ chìm dần.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể liên quan đến Farallon, một mảng kiến tạo cổ xưa vẫn tương tác với Bắc Mỹ từ bên dưới. Khi tàn dư của Farallon tiếp tục chìm sâu, chúng giải phóng nhiệt và hóa chất, làm mềm phần đáy của craton. Theo thời gian, những tác động này đã làm suy yếu một số phần của craton, dẫn đến việc các mảnh vỡ từ từ nhỏ giọt xuống.
Tin tốt là sự chìm xuống này diễn ra theo thang thời gian địa chất, không phải theo thang thời gian của con người nên đây không phải là một vấn đề cấp bách như hàng trăm thành phố chìm xuống đại dương trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một ngày nào đó hiện tượng này có thể trở thành mối lo ngại.
Nghiên cứu về lý do và cách Bắc Mỹ chìm sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các lục địa trên thế giới tiếp tục tiến hóa. Nó cũng giúp giải thích cách các khối đất hình thành, nứt vỡ và cuối cùng tái chế trở lại hành tinh. Trước đây, những hiểu biết như vậy chủ yếu đến từ địa chất hóa thạch, nhưng với khám phá này, chúng ta có thể theo dõi quá trình này xảy ra theo thời gian thực. Các nhà nghiên cứu cho biết loại quan sát này là một “bước ngoặt”, giúp chúng ta định hình lại cách nghĩ về sự ổn định kiến tạo trên Trái đất.