Lá gan kêu cứu vì thói quen thức khuya, ăn uống thất thường

Thức khuya để làm việc, giải trí, ăn uống thất thường vì bận rộn hoặc thói quen sống tùy tiện… Tất cả đều đang âm thầm tàn phá lá gan, cơ quan giải độc quan trọng hàng đầu của cơ thể. 

Trong guồng quay bận rộn của cuộc sống hiện đại, con người ngày càng xa rời những nhịp sinh học tự nhiên. Thức khuya để làm việc, giải trí, ăn uống thất thường vì bận rộn hoặc thói quen sống tùy tiện… Tất cả đều đang âm thầm tàn phá lá gan, cơ quan giải độc quan trọng hàng đầu của cơ thể. Khi gan lên tiếng “kêu cứu”, đó có thể đã là lời cảnh báo muộn màng.

Gan – “nhà máy thầm lặng” giữ sự sống

Gan là một trong những cơ quan có vai trò sống còn đối với sức khỏe con người. Nằm ở phía bên phải của bụng, gan thực hiện hơn 500 chức năng khác nhau như: Lọc máu và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể; Sản xuất dịch mật hỗ trợ tiêu hóa chất béo; Dự trữ glycogen (nguồn năng lượng dự trữ từ đường); Tổng hợp protein và các enzym quan trọng; Dự trữ vitamin (A, D, E, K, B12) và khoáng chất (sắt, đồng).

Một điểm đặc biệt của gan là nó không có dây thần kinh cảm giác như nhiều cơ quan khác, vì vậy khi gan bị tổn thương, cơ thể thường không cảm thấy đau rõ rệt. Chỉ đến khi chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, người bệnh mới nhận thấy các dấu hiệu rõ ràng. Lúc ấy, việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Thức khuya: Thói quen gây hại cho gan

Thức khuya, ngủ ít hoặc rối loạn giấc ngủ là hiện tượng phổ biến ở nhiều người trẻ hiện nay. Đặc biệt là dân văn phòng, người làm việc tự do, sinh viên hay những người sử dụng mạng xã hội và các nền tảng giải trí đến tận khuya. Theo y học cổ truyền và các nghiên cứu hiện đại, khoảng thời gian từ 23h đến 3h sáng là “giờ vàng” để gan thực hiện chức năng thải độc.

Khi chúng ta ngủ sâu giấc trong khung giờ này, cơ thể được đưa về trạng thái nghỉ ngơi, gan có điều kiện tối ưu để tiến hành các quá trình lọc máu, loại bỏ độc tố và tái tạo tế bào. Ngược lại, nếu thức khuya liên tục, gan không có thời gian hồi phục.

Quá trình giải độc bị gián đoạn, khiến các chất độc tích tụ dần trong máu và các mô cơ thể. Về lâu dài, điều này không chỉ ảnh hưởng đến gan mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ viêm gan, gan nhiễm mỡ, thậm chí xơ gan hoặc ung thư gan. Ngoài ra, việc thức khuya còn làm tăng nồng độ cortisol – hormone stress, dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa, tăng gốc tự do, gây viêm và tổn thương các tế bào gan.

Hình minh hoạ/ Nguồn: internet

Ăn uống thất thường khiến gan trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ

Một thói quen xấu thường đi kèm với thức khuya chính là ăn uống không điều độ. Bỏ bữa sáng, ăn trễ bữa trưa, ăn vội vàng, ăn đêm, hoặc lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh… đều khiến gan phải hoạt động quá tải.

Khi bữa ăn không đúng giờ hoặc thành phần dinh dưỡng không hợp lý (quá nhiều chất béo, đường, chất bảo quản, phụ gia), gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để xử lý và loại bỏ các chất dư thừa, độc hại. Điều này không chỉ làm tăng gánh nặng cho gan mà còn dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, tích tụ mỡ trong tế bào gan – hình thành gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Đặc biệt, ăn đêm là thói quen cực kỳ nguy hiểm cho gan. Vào ban đêm, các cơ quan tiêu hóa giảm hoạt động, việc ăn uống lúc này khiến gan phải làm việc trong khi lẽ ra nó đang trong giai đoạn nghỉ ngơi và tái tạo. Lâu dần, gan bị suy yếu chức năng, dễ dẫn đến viêm gan, men gan cao, thậm chí rối loạn lipid máu và tiểu đường.

Những tín hiệu cảnh báo gan đang “kêu cứu”

Vì gan không gây đau rõ rệt, nên khi xuất hiện các biểu hiện sau đây, rất có thể đó là những lời “cầu cứu” thầm lặng của gan: Mệt mỏi kéo dài dù không làm việc nặng; Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu; Da xỉn màu, nổi mụn, ngứa ngáy không rõ nguyên nhân; Nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu; Vàng da, vàng mắt – dấu hiệu rõ ràng của tổn thương gan; Dễ bầm tím, chảy máu bất thường (do gan giảm sản xuất yếu tố đông máu).

Thay đổi lối sống để bảo vệ gan

Điều đáng mừng là gan có khả năng tái tạo rất mạnh mẽ. Khi bạn thay đổi thói quen sống và có chế độ sinh hoạt hợp lý, gan hoàn toàn có thể phục hồi chức năng.

Sau đây là những bước cơ bản để bảo vệ và “giải cứu” lá gan: Ngủ sớm, ngủ đủ: cố gắng đi ngủ trước 23h và duy trì giấc ngủ từ 6–8 tiếng mỗi đêm.

Ăn đúng giờ, đủ bữa, tránh bỏ bữa hoặc ăn quá khuya; Tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ.

Hạn chế rượu bia, nước ngọt có gas, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn; Uống đủ nước, khoảng 1.5–2 lít mỗi ngày để hỗ trợ thải độc.

Tập luyện đều đặn, duy trì cân nặng ổn định để tránh gan nhiễm mỡ; Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là xét nghiệm men gan, siêu âm gan để phát hiện sớm các bất thường.

Gan khỏe – sống lâu

Sức khỏe của gan ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ và chất lượng sống của mỗi người. Một lá gan khỏe mạnh giúp cơ thể tràn đầy năng lượng, làn da tươi sáng, hệ miễn dịch hoạt động tốt và nguy cơ bệnh tật giảm xuống rõ rệt.

Hãy để gan được “nghỉ ngơi” và làm việc đúng nhịp sinh học. Đừng đánh đổi sức khỏe bằng những thói quen vô tình hủy hoại gan mỗi ngày. Thức khuya, ăn uống thất thường không chỉ là một lối sống thiếu khoa học, mà còn là con đường ngắn nhất dẫn đến những căn bệnh gan nguy hiểm.

Trương Hiền