Hiện tượng cá chết và nổi lên mặt nước xảy ra chủ yếu ở đoạn từ cầu Thị Nghè (Quận 1) đến cầu Công Lý (Quận 3), kéo dài khoảng 5km. Theo ghi nhận, số lượng cá chết rất lớn, chủ yếu là cá rô phi, nổi bụng trắng, bắt đầu trương sình và bốc mùi hôi thối, tạo nên cảnh tượng ô nhiễm nghiêm trọng. Cá chết nằm lẫn trong rác thải, lục bình trôi dạt, trong khi hàng trăm ngàn con cá khác đang lóp ngóp ngoi lên mặt nước để tìm oxy, có nguy cơ tiếp tục chết trong điều kiện nắng nóng gay gắt.
 |
Cá diêu hồng, cá rô phi, nổi bụng trắng |
 |
Cá chết ngửa bụng trên kênh. |
Khu vực quanh cầu Điện Biên Phủ (nối Quận 1 và Quận 3), cầu Kiệu và cầu Hoàng Hoa Thám (nối Quận 1 và Phú Nhuận) ghi nhận lượng cá chết đặc biệt dày đặc. Cá chết tạo thành từng mảng lớn phủ kín mặt nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống dọc hai bên kênh.
 |
Cá chết lẩn trong rác thải gây ra tình trạng ô nhiễm |
Tình trạng cá chết sau mưa đầu mùa không phải là hiện tượng mới. Nhiều năm qua, mỗi khi TPHCM đón những cơn mưa đầu mùa, hiện tượng tương tự lại tái diễn. Đơn cử như đầu mùa mưa năm 2016, hơn 70 tấn cá chết đã được vớt lên từ tuyến kênh dài khoảng 10km này.
Nguyên nhân chủ yếu là do lượng nước mưa cuốn trôi chất thải, rác, dầu mỡ và các chất ô nhiễm tồn đọng lâu ngày trên mặt đường đổ vào kênh. Các chất hữu cơ phân hủy nhanh chóng làm giảm mạnh lượng oxy hòa tan trong nước, khiến cá ngạt thở. Ngoài ra, hiện tượng thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ pH và sự khuấy động lớp bùn đáy chứa khí độc như H₂S, NH₃ cũng góp phần gây ra cái chết hàng loạt cho cá.
Dù các đơn vị chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp như sử dụng hóa chất xử lý, cải thiện chất lượng nước, tái tạo nguồn cá... song hiện tượng này vẫn xảy ra gần như thường niên.
Vào sáng 8/5, công nhân vệ sinh đã triển khai tàu chuyên dụng để thu gom rác thải và cá chết, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.