Lương 12 triệu nhưng không có nổi vài trăm nghìn đưa mẹ đi khám, cô gái tâm sự khiến nhiều người giật mình

Cô gái tiêu tiền phung phí, đến khi mẹ bệnh không có tiền đưa mẹ đi khám và mua thuốc cho mẹ mới thấy hối hận.

Chi tiền triệu shopping nhưng không có nổi 100 nghìn mua thuốc

Chi mạnh tay cho việc mua sắm, ăn chơi, du lịch, hưởng thụ... được không ít gen Z xem là ưu tiên hàng đầu. Nhiều trường hợp kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu để rồi chưa hết tháng đã hết tiền, rơi vào cảnh nợ nần khi biến cố ập đến. Tâm sự của cô gái dưới đây sẽ khiến nhiều người giật mình và nhìn nhận lại bản thân.

 Cô gái lương 12 triệu nhưng không có nổi vài trăm nghìn đưa mẹ đi khám. Ảnh minh họa

Theo đó, cô gái 25 tuổi đã đi làm vài năm, mức lương khoảng 12 triệu đồng. Mặc dù vậy, tháng nào cô tiêu cẩn thận thì mới đủ, còn nếu không sẽ âm tiền.

Hồi mới đi làm, cô cũng tiết kiệm. Nhưng sau này thấy mọi thứ đắt đỏ, dù cố gắng tiết kiệm đến đâu thì cũng không biết bao giờ mới đủ tiền mua được 1 mét vuông đất Hà Nội. “Từ đấy, em có suy nghĩ cứ ăn tiêu cho thoải mái, tiêu đến xu cuối cùng thì thôi”, cô thú nhận.

Thấy các bạn khoe điện thoại xịn, cô cũng trả góp cái iPhone Promax cho bằng bạn bằng bè. Mỗi lần bạn bè rủ đi shopping, cô không ngần ngại bỏ ra 1-2 triệu để mua quần áo. Cô vô cùng thích thú với cảm giác được sở hữu những món đồ đắt tiền.

Nhưng rồi, câu nói của người mẹ và em gái đã khiến cô thấy ân hận về cách chi tiêu của bản thân. Cụ thể, cuối tuần vừa rồi, cô về quê, mẹ bảo ra Hà Nội lương được bao nhiêu cho mẹ đi khám chụp chiếu vì mẹ viêm khớp chân mà mẹ không có bảo hiểm y tế. Trong tài khoản còn đúng 500 nghìn đồng, cô nói với mẹ rằng đã hết tiền, chờ mùng 10 tháng sau có lương sẽ cho mẹ cả 5 triệu.

Một hôm khác, em gái cô nhắn tin cho biết mẹ bị đau chân, không đi làm được đã 2 tuần nay. Nhà hết gạo, hết cả thức ăn vì lúa chưa chín. Do đó em gái cô xin 100 nghìn đồng để mua gạo và thuốc giảm đau cho mẹ. Lúc ấy, nước mắt cô ứa ra và nhận ra bao lâu nay vẫn luôn sống ích kỷ chỉ biết đến cuộc đời của mình, còn mẹ với em gái thì sống lam lũ.

Cô nghẹn ngào: “Em gái em cũng bảo là chỉ học hết năm nay cho có bằng cấp 2 là nó sẽ đi làm may để giúp đỡ mẹ vì nó học dốt hơn em nên nó bảo chả cần phải đi học làm gì, nó muốn sống gần mẹ để tiện chăm sóc cho mẹ vì bố em mất sớm. Em cảm thấy em đã sống quá tồi tệ, em còn không cả bằng đứa em đang tuổi ăn tuổi chơi”.

Tránh rơi vào cảnh nhẵn túi nhờ quy tắc quản lý tài chính cá nhân

Ở phần bình luận, có người thẳng thắn chê trách cô gái, cũng có người động viên rằng nhận ra mình sai là bước đầu để thay đổi.

“Đọc bài bạn viết thấy cay cay mắt. Nhưng thôi, bạn đã hiểu ra vấn đề thì vẫn chưa muộn. Nếu còn trẻ thì hãy cố gắng tiết kiệm giành ra 1 khoản để lúc không may có gì xảy ra mình còn dùng đến.”, một tài khoản viết.

Có một cách rất đơn giản thường được các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân áp dụng để có thể tiết kiệm và vẫn tiêu tiền với tâm thế thoải mái. Đó là phương pháp chia thu nhập thành 3 phần.

Cụ thể, phần thứ nhất được sử dụng cho các nhu cầu cần thiết. Chẳng hạn như các chi phí cần đóng hàng tháng như tiền thuê nhà, điện nước, hiếu hỷ... cùng thuế thu nhập hàng năm, lệ phí bảo hiểm. Phần thứ hai dùng để tiết kiệm, còn phần thứ ba cho sở thích bản thân. Bạn có thể để 3 phần này vào 3 tài khoản khác nhau để dễ quản lý, tránh nhầm lẫn.

Trước khi bắt tay vào thực hiện, bạn cần xác định bạn cần bao nhiêu tiền cho phần thứ nhất. Ngoài các khoản cố định như tiền nhà hay bảo hiểm, sẽ có những khoản thay đổi theo từng tháng như điện nước, điện thoại, ăn uống... hãy tính trung bình từ những tháng trước hoặc tính theo 1 năm để đưa ra một con số phù hợp với nhu cầu của bạn.

Sau khi trừ đi các chi phí cần thiết, số tiền lương còn lại sẽ được chia thành 2 phần là phần tiền tiết kiệm và phần tiền chi tiêu tự do. Tỷ lệ cho phần thứ hai nên là 20% thu nhập trở lên.

Ngay khi nhận được lương, bạn nên trích một khoản tiết kiệm để riêng. Mục đích của việc này là để duy trì thói quen tiết kiệm, cũng như giúp bạn có một quỹ dự phòng tài chính cá nhân.

Tiền chi tiêu cho mong muốn cá nhân được tính sau cùng, khi đã trừ chi phí cố định và tiết kiệm. Nếu muốn tiết kiệm tiền nhanh hơn, đương nhiên bạn sẽ phải để phần thứ ba này ít lại, hy sinh nhiều thú vui không quá quan trọng.

Vân Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN