Căng thẳng kéo dài với Ấn Độ là mối nguy lớn cho kinh tế Pakistan
Moody’s cho biết nếu tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á kéo dài, điều đó sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Pakistan và làm chậm tiến trình củng cố tài khóa – vốn là chìa khóa để ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình này có thể cản trở nỗ lực cải cách và phục hồi tài chính mà chính phủ nước này đang theo đuổi với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Căng thẳng cũng có thể khiến Pakistan khó tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài – điều cực kỳ quan trọng trong bối cảnh quốc gia này đang cần tiền để trả nợ nước ngoài. Theo Moody’s, dự trữ ngoại hối của Pakistan hiện chỉ nhỉnh hơn 15 tỷ USD, trong khi con số này ở Ấn Độ là hơn 688 tỷ USD – một khoảng cách khổng lồ thể hiện rõ ràng sự yếu thế tài chính của Pakistan.
Trong khi Ấn Độ có thể đối phó tốt với một cuộc khủng hoảng quy mô nhỏ do ít phụ thuộc vào thương mại với Pakistan, thì Pakistan lại không có dư địa tài chính để đối đầu, dù chỉ là một xung đột quân sự ngắn hạn.
Theo báo cáo của Moody’s, tình hình kinh tế vĩ mô của Pakistan có tín hiệu cải thiện khi lạm phát giảm, tăng trưởng dần ổn định và dự trữ ngoại hối tăng nhờ tiến triển trong chương trình của IMF. Tuy nhiên, cải cách vẫn bị cản trở bởi các toan tính chính trị nội bộ, làm chậm tiến độ khắc phục khủng hoảng.
Tháng trước, IMF đã đạt thỏa thuận với Pakistan về khoản vay 1,3 tỷ USD trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ tăng cường sức chống chịu với biến đổi khí hậu, kéo dài 28 tháng. Cùng với 1 tỷ USD từ chương trình cứu trợ hiện tại, tổng số tiền sắp được giải ngân là 2 tỷ USD – một cứu cánh tạm thời cho quốc gia này.
Dù vậy, để thoát khỏi khủng hoảng lâu dài, Pakistan cần thực thi mạnh mẽ các cải cách kinh tế - điều mà nhiều chính phủ trước đây đều hứa nhưng chưa thực hiện được do xung đột lợi ích và bất ổn chính trị.

Kinh tế Pakistan gặp nhiều khó khăn
Pakistan từng cận kề phá sản như thế nào?
Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Pakistan gần như sụp đổ. Một đất nước từng là giàu nhất Nam Á 50 năm trước nay bị xếp vào nhóm nghèo nhất, phần lớn do quản lý yếu kém, quân đội kiểm soát chính quyền và chính sách hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới.
Khi lạm phát đạt mức kỷ lục 38,5% vào tháng 5/2023, dự trữ ngoại hối của Pakistan chỉ còn đủ để nhập khẩu vài tuần. Tình hình tồi tệ đến mức một bộ trưởng từng kêu gọi người dân uống ít trà để giảm nhập khẩu. Đất nước này từng bị đưa vào "danh sách xám" của Lực lượng Hành động Tài chính (FATF) do không kiểm soát tốt tài trợ khủng bố.
Để tránh vỡ nợ, Pakistan phải dựa vào khoản vay khẩn cấp 3 tỷ USD từ IMF cùng các khoản gia hạn nợ từ Saudi Arabia, UAE và Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công so với GDP vẫn ở mức đáng báo động – 70%, trong khi gần một nửa thu ngân sách được dùng chỉ để trả lãi vay.
Trong bối cảnh Pakistan đang phụ thuộc vào các khoản vay và nỗ lực cải cách còn nhiều trở ngại, một cuộc xung đột quân sự – dù quy mô nhỏ – cũng có thể đẩy nước này vào tình thế không thể cứu vãn. Theo Moody’s, căng thẳng hiện tại vẫn chưa vượt khỏi mức "thỉnh thoảng leo thang" như từng xảy ra trong lịch sử hai quốc gia. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây đang đẩy tình hình đến mức nguy hiểm.
Sau vụ tấn công khủng bố khiến 26 người thiệt mạng ở Kashmir vào ngày 22/4, Pakistan cáo buộc Ấn Độ chuẩn bị tấn công quân sự để trả đũa. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước lập tức rơi vào khủng hoảng: Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước nước sông Indus năm 1960, còn Pakistan đáp trả bằng việc hủy Hiệp định hòa bình Simla năm 1972.
Trong hoàn cảnh này, giới quân sự Pakistan được cho là đang khai thác vấn đề Kashmir để củng cố lại sự ủng hộ từ công chúng, sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích vì đàn áp đảng của cựu Thủ tướng Imran Khan và thất bại trong việc kiểm soát các cuộc nổi dậy nội bộ.
Rạng sáng thứ Tư (7/5), Ấn Độ tuyên bố đã mở một chiến dịch quân sự nhằm vào Pakistan, tấn công các “cơ sở hạ tầng khủng bố” nằm trong lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Pakistan tuyên bố đã đáp trả tương xứng.