Tại bài viết “
Đèo Cả 'vỡ' phương án tài chính, gánh nặng nợ vay 28.000 tỷ đồng” đăng ngày 4/11/2024 vừa qua, liên quan thông tin trích dẫn trong một báo cáo phân tích vào năm 2023, Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra những khó khăn về dòng tiền mà CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) đang gặp phải tại các dự án BOT. Trong đó, dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả vẫn chưa nhận được 1.180 tỷ đồng/5.048 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước cam kết góp vốn, làm tăng gánh nặng nợ vay cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả: Theo phương án tài chính (PATC), dự án được phép vận hành 7 trạm BOT, bao gồm: Đèo Cả, Ninh Lộc, An Dân, Cù Mông, Bắc Hải Vân và La Sơn - Tuý Loan. Tuy nhiên, trạm La Sơn - Tuý Loan đã không được tiến hành thu phí như kế hoạch do gặp sự phản đối của người dân địa phương (đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đã được hoàn thành theo hình thức đầu tư BT trước đó nhưng lại được sử dụng trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả).
Kết quả là doanh thu thu phí của cả dự án chỉ đạt 994 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt PATC. Theo đó, trong đề xuất hỗ trợ 8 dự án BOT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong tháng 5/2023, Bộ đã đề xuất bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan. Bên cạnh đó, dự án vẫn chưa nhận được 1.180 tỷ đồng/5.048 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước cam kết góp vốn vào dự án, làm tăng gánh nặng nợ vay cho doanh nghiệp (tính đến cuối quý 3/2024).
 |
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, ngày 07/11/2024, Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được Công văn số 1466/2024/DCG đề ngày 05/11/2024 của Công ty Đèo Cả cùng tài liệu cho thấy, ngày 09/10/2024, công ty con của HHV là CTCP Đầu tư Đèo Cả đã được thanh toán lần 1 phần vốn ngân sách nhà nước 2024 hỗ trợ chi phí xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) theo hình thức Hợp đồng BOT.
Cụ thể: Công ty Đèo Cả cung cấp cho Báo TTCS chứng từ liên quan khoản 1.180 tỷ đồng gồm: Văn bản số 10050/BGTVT_KHĐT ngày 19/9/2024 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phân khai chi tiết vốn NSNN năm 2024. Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) theo hình thức hợp đồng BOT; kèm theo Giấy rút tiền và Giấy Đề nghị thanh toán vốn nhà nước tham gia dự án TPP cùng ngày 09/10/2024. Và giấy đề nghị thanh toán đề ngày 09/10/2024 của Giám đốc kho bạc nhà nước Phú Yên với số tiền 900.281.000.000 đồng. Theo đó, số tiền nêu trên đã được giải ngân hay chưa... Công ty Đèo Cả mới rõ nhất vấn đề này.
Với số tiền 900.281.000.000 đồng được giải ngân hồi tháng 10/2024 như Công ty Đèo Cả thông tin, thì bức tranh tài chính về nợ vay của HHV khả năng sẽ có sự khác biệt trong quý 4/2024.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của HHV, tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản ở mức 38.293 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng thêm 24,3% lên mức 368 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho của Công ty tăng mạnh 187%, lên 222,4 tỷ đồng.
HHV cũng đang nắm giữ các khoản đầu tư vào nhiều công ty trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm CTCP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (455,5 tỷ đồng); CTCP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị (45,2 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Xây dựng ICV Việt Nam (127,5 tỷ đồng) và CTCP Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (7,5 tỷ đồng).
Tại ngày 30/09/2024, HHV cũng đang gánh khoản nợ phải trả 28.215 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm, trong đó nợ dài hạn chiếm gần 90% tổng nợ. Trong đó, nợ ngắn hạn của Công ty chiếm 961 tỷ đồng (giảm 4,3% so đầu kỳ), nợ dài hạn hơn 18.915 tỷ đồng (giảm gần 2%). Ngoài ra, Công ty ghi nhận chi phí phải trả dài hạn tăng 16,4%, lên 5.533 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối quý 3/2024 của HHV ở mức 10.078 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm, trong đó vốn điều lệ chiếm 4.322 tỷ đồng, tăng 31,2%. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty đạt 1.011 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.298 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 367 tỷ đồng, tăng 18,8% so cùng kỳ.
Đóng góp tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động thu phí BOT với 63% tổng doanh thu và hoạt động thi công xây lắp đóng góp 34%. Hai mảng hoạt động này đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.